Chiều 30/12, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Công nghệ thông tin (CNTT) - Thư viện (TV) giai đoạn 2011 – 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 – 2021. Dự Hội nghị có GS. TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN, lãnh đạo các ban chức năng và tương đương; đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo phòng CNTT – TV và cán bộ làm công tác TT-TV trong toàn Đại học.
GS. TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐHTN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hội nghị đã nghe 2 báo cáo tổng kết công tác thông tin và thư viện giai đoạn 2011 – 2016 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 – 2021 của Đại học.
Theo đó, giai đoạn 2011 – 2016, cùng với những kết quả đã đạt được của toàn Đại học, hệ thống CNTT với vai trò và nhiệm vụ là tham mưu, tư vấn về lĩnh vực CNTT ứng dụng trong quản lý, điều hành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Hiện tại, ĐHTN có khoảng 500 kĩ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành CNTT, trong đó có 66 cán bộ chuyên trách cơ hữu tại Trung tâm CNTT ĐHTN và các phòng/Trung tâm của các đơn vị thành viên. Trên 80% cán bộ, viên chức, giáo viên của ĐHTN đã đạt các chuẩn về kĩ năng CNTT (IC3, ICDL, MOS và tương đương).
Trong giai đoạn 2010 -2015, hạ tầng kỹ thuật CNTT của toàn ĐH đã được chú trọng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó từ các chương trình, đề án, dự án tập trung khoảng 80 tỷ VNĐ, từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị và các nguồn tài trợ khác khoảng xấp sỉ 20 tỷ VNĐ. Đặc biệt, phải kể đến dự án nâng cấp hạ tầng CNTT và mạng truyền dẫn của CNTT khoảng 9 tỷ, 02 Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kĩ thuật, phòng sản xuất chương trình và hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu học tập (LMS/LCMS) hỗ trợ triển khai đào tạo e-Learning tại ĐHTN trị giá khoảng 70 tỷ.
Cổng thông tin điện tử và hệ thống website của ĐHTN và các đơn vị thành viên đã được nâng cấp liên tục trong thời gian vừa qua, và đã thực sự là một kênh thông tin, quảng bá, một công cụ giao tiếp giữa ĐHTN, các đơn vị thành viên với toàn xã hội. Đặc biệt, từ 2014 trở về đây, website tnu.edu.vn luôn nằm trong nhóm TOP 10 theo xếp hạng của tổ chức Webometrics quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Tân - Giám đốc TT CNTT báo cáo hoạt động CNTT trong giai đoạn 2011 – 2016
Về công tác thông tin thư viện, giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn đánh dấu việc thống nhất triển khai áp dụng các chuẩn quốc tế về thư viện vào các lĩnh vực công tác chuyên môn của hệ thống thư viện trong ĐHTN. Công tác phát triển học liệu được Đại học và các đơn vị thành viên quan tâm, coi đây là một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Trung tâm Học liệu và thư viện các đơn vị đã có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị, xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng và chất lượng cao, phát triển mạnh nguồn học liệu điện tử, đáp ứng hầu hết các chương trình, ngành học, bậc học của Đại học, phục vụ việc giảng dạy và học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHTN.
Trong giai đoạn 2011-2016, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin thư viện trong toàn đại học nhìn chung có xu hướng giảm, năm 2011 số lượng cán bộ làm công tác thông tin thư viện là 106 người thì tính đến tháng 12 năm 2016 là 101 người, giảm 05 người so với năm 2011.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thông tin thư viện ĐHTN trong giai đoạn 2011-2015 đã được đầu tư và phát triển rất mạnh mẽ. Đến năm 2016, tổng diện tích dành cho thư viện đã tăng gần 5 nghìn m2 so với năm 2011, một số đơn vị đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng mới, hoặc bổ sung thêm diện tích phục vụ như thư viện các đơn vị.
Về số lượng máy tính phục vụ bạn đọc, tính đến tháng 12 năm 2016, toàn hệ thống thư viện ĐHTN có 1014 bộ máy tính, tăng 98 bộ so với năm 2015 và tăng 394 bộ so với năm 2011, một số đơn vị được đầu tư, trang bị máy tính với số lượng lớn trong giai đoạn này là, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (tăng 193 bộ); trường Đại học Sư phạm (tăng 100 bộ). Trung tâm Học liệu năm 2016 được trang bị thêm 340 bộ máy tính theo chương trình dự án “Nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hình thức E-learning tại ĐHTN”, dự án này đã trang bị cho Trung tâm hầu hết các trang thiết bị CNTT mới như máy chủ, cổng từ, hệ thống hội thảo trực tuyến, hạ tầng mạng… và đặc biệt là đã trang bị cho trung tâm 1 phòng Studio với đầy đủ trang thiết bị để sản xuất bài giảng điện tử và phần mềm quản lý đào tạo E-learning. Ngoài ra, TTHL cũng được tiếp nhận 1 phòng Studio thuộc dự án “nâng cấp, bổ sung hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu của ĐHTN” với trang thiết bị máy móc tương tự phòng Studio của dự án trên. Ngoài ra, đa số thư viện các đơn vị cũng đều được đầu tư bổ sung các máy móc thiết bị phục vụ công việc chuyên môn như máy nạp, khử từ, máy in barcode, cổng từ, máy đọc mã vạch, máy in, máy photocopy...
Về số lượng tài liệu, tính đến năm 2016 số lượng tài liệu in trong toàn ĐHTN là 101.768 tên tương đương với 776.542 bản, đã tăng 46.514 tên (84,18%), 281.925 bản (57%) so với năm 2011. Những đơn vị có số lượng tài liệu được bổ sung nhiều nhất là trường: Đại học Sư phạm, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Nông Lâm và Trung tâm Học liệu. Số lượng báo, tạp chí vẫn được các đơn vị duy trì bổ sung đều hàng năm, đạt 855 tên, tăng 128 tên (18%) so với năm 2011.
Trong giai đoạn 2011-2016, các đơn vị thuộc ĐHTN, đặc biệt là Trung tâm Học liệu đã thực hiện đầu tư mạnh cho việc phát triển vốn tài liệu điện tử, đáp ứng 30 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ; 47 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 118 chuyên ngành đào tạo bậc đại học; 19 chuyên ngành hệ cao đẳng của ĐHTN hiện nay đồng thời cũng chú trọng phát triển các tài liệu phục vụ cho các chương trình tiên tiến, liên kết với đối tác nước ngoài . Tính đến hết năm 2016, toàn hệ thống thư viện của Đại học đã bổ sung, phát triển được 68.020 tài liệu điện tử tăng 9,7 lần so với 2011, trong đó điển hình như Trung tâm Học liệu hiện có 46.892, Trường Đại học Nông Lâm có 10.178 tài liệu điện tử.
Trong giai đoạn 2011-2016 số lượng bạn đọc đến sử dụng và số lượng tài liệu phục vụ tại thư viện các đơn vị trong ĐHTN là rất lớn. Tính riêng năm 2016, hệ thống thư viện ĐHTN đã phục vụ 383.811 lượt bạn đọc đến sử dụng thư viện, tăng gấp đôi so với 2011, tuy nhiên so với 2015, có 407.241 bạn đọc đến sử dụng thư viện tại chỗ thì trong năm 2016 số bạn đọc trực tiếp đã giảm đi đáng kể. Số lượng tài liệu cho mượn năm 2016 là 416.227 lượt, tăng gần 1,5 lần so với năm 2011. Số lượng bạn đọc sử dụng thư viện từ xa đã tăng rất nhanh theo từng năm. Chỉ tính riêng năm 2016 số lượng bạn đọc sử dụng thư viện từ xa là 3.943.062 lượt, tăng trên 41% so với năm 2015.
GS. TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc TTHL phát biểu tại Hội nghị
Có thể thấy, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011 – 2016. Trung tâm Học liệu và Trung tâm Công nghệ Thông tin đã tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; đồng thời sớm khắc phục những hạn chế tồn tại để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được lãnh ĐHTN giao.
Hội nghị đã lắng nghe nhiều những ý kiến thảo luận, trao đổi sâu sắc và thân tình của những cán bộ quản lý thực sự tâm huyết với nghề thư viện đến từ Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường đại học Nông Lâm, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, Phó Giám đốc Đại học - Nguyễn Hữu Công một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động CNTT, thư viện trong hoạt động quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại ĐHTN. Phó Giám đốc Đại học cũng chia sẻ những khó khăn mà các cán bộ làm công tác thư viện đang gặp phải. Bên cạnh đó, lãnh đạo ĐHTN cũng đã yêu cầu Trung tâm Công nghệ Thông tin và Trung tâm Học liệu là hai đơn vị đầu mối về hai lĩnh vực này cần sớm triển khai hoạt động tổng thể phát triển CNTT và thư viện của ĐHTN từ nay tới năm 2017, tầm nhìn đến năm 2021, để các đơn vị lấy đó làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ cho sát với nhiệm vụ chung của toàn Đại học.
PGS. TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc ĐHTN phát biểu kết luận Hội nghị
Hệ thống CNTT toàn Đại học cần phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tham gia thực hiện thành công Đề án số 03 và Đề án số 07 của Đảng ủy ĐHTN, nhiệm kỳ 2015 – 2020, với mục tiêu cơ bản là “Ứng dụng triệt để CNTT vào mọi lĩnh vực hoạt động của ĐHTN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, đổi mới hình thức và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhằm từng bước xây dựng ĐHTN thành Đại học điện tử, góp phần hiện thực hóa chiến lược xây dựng và phát triển chung của ĐHTN, giai đoạn 2016 – 2021”.
Về công tác thông tin thư viện, Ban Đào tạo cần phối hợp với Trung tâm Học liệu tổ chức kiểm tra số lượng giáo trình cho từng môn học tại các đơn vị để có đề xuất bổ sung kịp thời và đầy đủ. Trung tâm Học liệu cần phối hợp với các đơn vị để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển học liệu điện tử, bài giảng điện tử, là đầu mối để quản trị phần mềm quản lý đào tạo E-learning; phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng đề án nâng cấp Thư viện số và số hóa toàn bộ giáo trình của các đơn vị.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc cũng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học thành viên cần tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và vốn tài liệu cho thư viện, từng bước chuyển đổi thành Thư viện điện tử, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập theo hình thức tín chỉ, đào tạo E – learning; phối hợp với Trung tâm Học liệu trong công tác xây dựng và phát triển học liệu điện tử, phấn đấu đến năm 2021 có ít nhất 30% số môn học có bài giảng E-learning; đồng thời chú ý tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, bổ sung biên chế cho cán bộ thư viện./.